Nhiều bà mẹ thấy ngực căng sữa sau sinh, nhưng một thời gian lại thấy ngực mềm và rất băn khoăn liệu ngực mềm có phải ít sữa không? Bài viết dưới đây sẽ giải thích về cơ thế tiết sữa mẹ để các bà mẹ hiểu rõ về vấn đề này và an tâm hơn nhé.
Lượng sữa mẹ tiết ra ở mỗi người mỗi khác nhưng đều có chung một cơ chế tiết sữa.
1.1. Cơ chế tiết sữa mẹ hoạt động như thế nào?
Tuyến vú phát triển mạnh ở tam cá nguyệt đầu tiên
Ngay từ khi mới mang thai, tuyến vú (nơi sản xuất sữa) đã bắt đầu phát triển và hoạt động do ảnh hưởng từ các nội tiết tố từ cơ thể mẹ và nhau thai.
Phụ nữ mang thai sẽ cảm thấy có nhiều thay đổi lớn ở ngực vào thời điểm này, do tuyến vú phát triển mạnh, ngực sẽ căng, tăng kích cỡ và xuất hiện các mạch máu ở quanh bầu ngực, nhũ hoa nhô ra…
Sản xuất và tiết sữa non
Ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, cơ thể mẹ đã bắt đầu sản xuất sữa non để chuẩn bị cho quá trình cho con bú sau này.
Một số mẹ có thể thấy rỉ sữa non, đây là dấu hiệu sinh lý hoàn toàn bình thường.
Sản xuất sữa sau sinh
Sau khi em bé chào đời, quá trình sản xuất sữa sẽ tự động khởi động.
Sữa được tiết ra từ tuyến vú: Vào thời điểm này, nồng độ các nội tiết tố estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ sẽ giảm đáng kể, trong khi đó nồng độ nội tiết tố prolactin sẽ tăng lên rất nhanh. Nội tiết tố prolactin kích hoạt các tế bào sản xuất sữa trong tuyến vú.
Khi bé ngậm và mút vú mẹ, hàm lượng nội tiết tố prolactin sẽ tăng lên và đẩy mạnh quá trình sản xuất sữa, giúp sữa sản xuất nhiều hơn, lúc này sữa mẹ sẽ càng được đẩy về nhanh hơn.
Trong thời gian cho con bú, sữa sẽ được sản xuất ra theo chu kỳ: Bé mút vú mẹ và kích thích tiết sữa và sản xuất sữa, sau đó bé bú lượng sữa có trong mỗi bầu bú, lượng sữa mới sẽ tiếp tục được sản xuất để cung cấp cho nhu cầu của bé ở lần bú sau.
Tiết sữa
Những phản xạ kích thích tiết sữa như khi bé mút, bú, khi hút bằng máy hút sữa hoặc khi kích thích ngực sẽ được gửi tín hiệu tới tuyến yên, kích thích tạo ra nội tiết tố oxytoxin và thúc đẩy việc tạo sữa ở ngực.
Khi ngực đã quen với phản xạ này, bất kỳ kích thích tương tự ví dụ như khi ôm ấp, chăm sóc bé, nghe tiếng bé khóc hoặc khi bé mút cũng có thể kích thích tiết sữa.
1.2. Sữa mẹ tạo ra theo nhu cầu của con
Theo cơ chế tự nhiên, bé càng bú nhiều sữa mẹ thì cơ thể mẹ sẽ càng sản sinh ra nhiều sữa hơn.
Trong tuyến vú cũng có chất ức chế tạo sữa, khi vẫn còn một lượng sữa lớn dự trữ trong bầu vú của mẹ thì chất ức chế này sẽ được tiết ra, điều khiển tuyến vú ngưng sản xuất sữa.
Nếu bé bú mẹ nhiều hoặc mẹ vắt sữa thường xuyên, điều này sẽ làm trống vú và quá trình sản xuất sữa mẹ lại tiếp tục để bổ sung lượng sữa.
2. Liệu ngực mềm có phải ít sữa?
“Ngực mềm nhũn có sữa không?” là câu hỏi nhiều bà mẹ đang cho con bú và gia đình có cho rằng ngực mềm sẽ tạo ra ít sữa, không đủ cho bé bú. Điều này khiến các bà mẹ bỉm sữa rất lo lắng khi thấy ngực không căng, cứng.
Suy nghĩ này là hoàn toàn không đúng. Hiện tượng ngực căng và ngực mềm hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới lượng sữa nhiều hay ít.
Ngực mềm không khẳng định là mẹ ít sữa
Ngực căng
Là hiện tượng xảy ra do căng sữa.
Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều sữa hoặc bé bú ít, khoảng cách giữa hai lần bé bú xa nhau (thường xảy ra ở giai đoạn mới sinh, khi bé bú chưa đều và ổn định) thì trong bầu ngực của mẹ sẽ có rất nhiều sữa, tự nhiên sẽ phải căng lên.
Ngực mềm
Là khi lượng sữa sản xuất và tiết ra phù hợp với nhu cầu của bé.
Thông thường khi bé bú đều và lượng sữa ổn định hơn cũng như được cho bú đúng cách, ngực mẹ sẽ sản xuất ra lượng sữa ở mức vừa đủ nên sẽ ít căng hoặc sờ thấy mềm hơn.
Lượng sữa mà tuyến sữa sản xuất ra vẫn đủ cho bé bú và cơ thể mẹ sẽ tiếp tục sản xuất sữa theo nhu cầu của bé.
3. Hiểu đúng về cách tiết sữa ở ngực mẹ
3.1 Ngực nhỏ không phải là ngực ít sữa
Câu hỏi “ngực nhỏ có ít sữa không” không chỉ là thắc mắc của chị em phụ nữ bị lép mà còn là câu hỏi chung của nhiều đấng mày râu, lo lắng sau này sinh con liệu mẹ có đủ sữa để cho con ăn.
Ngực mẹ nhỏ không phải ít sữa
Một hiểu lầm khá phổ biến ở nhiều người là cho rằng lượng sữa nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước của bầu ngực.
Ngực nhỏ hay ngực lớn là do cấu trúc mô mỡ và mô liên kết trong ngực quy định, còn tuyến vú mới là nơi sản xuất sữa.
Ở đa số phụ nữ, dù kích thước ngực lớn hay nhỏ, số lượng tuyến vú gần như tương đương. Vì vậy, dù ngực mẹ nhỏ về kích thước, thì vẫn đủ khả năng cung cấp đủ sữa cho con bú.
3.2 Ngực mềm không đồng nghĩa với việc thiếu sữa
Ngực mềm là một hiện tượng bình thường ở phụ nữ cho con bú.
Khi bé bú ổn định hơn và cơ thể sản xuất lượng sữa vừa đủ, phù hợp với nhu cầu của bé thì ngực mẹ sẽ mềm.
Nhưng lượng sữa cơ thể mẹ sản xuất ra vẫn đủ để cung cấp cho bé, khi bé bú hết sữa khiến ngực trống thì tuyến vú sẽ nhanh chóng hoạt động để sản xuất lượng sữa mới bù đắp vào.
Ngực mềm nhưng bé bú vẫn bình thường, bạn vẫn có đủ đủ sữa cho bé thì không có gì phải lo cả.
3.3 Hai bên ngực mẹ tiết sữa không phải luôn đồng đều
Khi bé bú mẹ, tại mỗi thời điểm bé thường chỉ bú một bên ngực khiến lượng sữa ở bên ngực bé bú giảm đi. Đồng thời, phản xạ mút vú mẹ của bé và thay đổi lượng sữa kích thích tuyến sữa ở bên ngực đó sản sinh ra lượng sữa mới trong khi lượng sữa ở bên ngực bé chưa bú sẽ không thay đổi.
Khi cho bé bú, cách tốt nhất là mẹ nên cho bé bú gần hết lượng sữa ở một bên ngực (ví dụ bên phải) sau đó đổi bên, cho bé tiếp tục bú ở bên ngực còn lại (bên trái).
Lần cho bé bú tiếp theo, mẹ nên bắt đầu cho bé bú ở bên trái trước đến khi gần hết lượng sữa thì mới đổi sang bên phải. Cách cho con bú này sẽ giúp làm trống sữa ở cả hai bên ngực.
Nếu sau khi bé bú đã no mà vẫn còn thừa sữa thì mẹ có thể dùng tay vắt sữa hoặc dùng máy hút sữa để bảo quản trong bình hoặc túi sữa ở điều kiện thích hợp. Khi bầu sữa trống, tuyến sữa sẽ được kích thích và tiếp tục sản xuất sữa.
Cho con bú đúng cách và tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết cùng những thực phẩm lợi sữa, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể mẹ sản sinh sữa đều đặn, chất lượng sữa thơm ngon, ổn định. Nhờ đó mà giúp bé yêu phát triển khỏe mạnh hơn.
Trong thời gian cho con bú, mẹ nên vệ sinh ngực đúng cách, thường xuyên theo dõi ngực để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Nếu tình trạng áp xe ngực, tắc tia sữa, ít sữa, mất sữa xảy ra thì cần tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục và điều trị sớm.
Đồng thời các mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu ngực nhỏ hoặc mềm, bé yêu vẫn sẽ được bú đủ sữa nếu bạn chăm sóc sức khỏe tốt đấy.
***Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Mong rằng những bài chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp các mẹ không còn bận tâm lo lắng xem ngực mềm có phải ít sữa không nữa. Chúc các mẹ luôn khỏe mạnh, tinh thần thoải mái để có thể nuôi con thật tốt nhé.
Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Năm 2013: PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận giải thưởng “Đánh giá hiệu quả can thiệp về dinh dưỡng và luyện tập để giảm thừa cân, béo phì ở người trưởng thành” hợp tác cùng Đại học Nhật Bản.
Năm 2014: PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhận giải thưởng “Đánh giá hiệu quả chế độ ăn cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật tại bệnh viện Bạch Mai” hợp tác cùng Đại học Boston, Mỹ.